Trẻ bị ho đờm nên ăn gì là nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh, bởi nếu tiêu thụ thực phẩm không phù hợp, tình trạng ho có đờm có thể trở nên trầm trọng hơn. Cha mẹ hãy cùng Prospan tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây!

1. Bé dưới 6 tháng tuổi bị ho đờm nên ăn gì
Khi trẻ dưới 6 tháng bị ho đờm, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn bởi đây là nguồn thức ăn chính, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của con như:
- Sữa mẹ làm loãng đờm, thông họng, giảm triệu chứng khó thở, khàn tiếng ở trẻ.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và lượng nước cần thiết cho trẻ.
- Cung cấp một số yếu tố bảo vệ bao gồm: yếu tố tăng trưởng, globulin miễn dịch… giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh hơn, nhanh chóng khỏi bệnh.
- Bé có thể tiêu hóa và hấp thụ sữa mẹ dễ dàng hơn sữa công thức.
- Trẻ bú sữa mẹ ít gặp các tình trạng như tiêu chảy, nôn trớ nặng…
- Trẻ có thể cảm nhận rõ ràng hơn tình yêu thương của mẹ khi bú sữa mẹ.

Mẹ nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ho có đờm bú với tần suất như sau:
- Trẻ mới sinh: 8 – 12 lần/ngày.
- Trẻ trên 1 tháng tuổi: 7 – 8 lần/ngày.
- Mẹ có thể cho bú thêm nếu bé có nhu cầu.
Lưu ý: Nếu trẻ không chịu bú, mẹ có thể vắt sữa ra cốc và đút cho bé bằng thìa. Mẹ lưu ý đút sữa cho bé từ từ, tránh để bị sặc.
2. 4 món ăn bé từ 6 tháng – 1 tuổi nên ăn khi bị ho đờm
Đối với trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi, mẹ vẫn cho bé bú sữa, đồng thời cho trẻ ăn thêm một số món ăn có nguồn gốc từ thực vật để khắc phục tình trạng ho có đờm nhanh chóng.
2.1. Nước cơm
Nước cơm là món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, mang lại nhiều lợi ích cho trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi khi bị ho có đờm như:
- Làm loãng đờm, thông họng, giảm triệu chứng khó thở, khàn tiếng ở trẻ nhỏ.
- Cung cấp nhiều vitamin, đặc biệt là các vitamin nhóm B giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, phục hồi nhanh những tổn thương ở cổ họng.
- Hạ sốt khi trẻ ho có đờm do các bệnh viêm đường hô hấp như: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm thanh quản…

Mẹ nấu nước cơm theo cách đơn giản dưới đây:
Nguyên liệu:
- Gạo: 2 thìa.
- Nước: 1 cốc.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Vo gạo bằng nước sạch, loại bỏ hết tạp chất.
- Bước 2: Cho gạo và nước vào nồi, đun đến khi gạo nở mềm.
- Bước 3: Chiết lấy nước cơm, đút cho trẻ từng thìa đút từ từ để trẻ không bị nôn trớ.
Lưu ý: Trẻ có thể bị dị ứng nước cơm. Do đó, mẹ nên bôi thử một lượng nhỏ lên tay trẻ, nếu không có dấu hiệu bất thường thì mới cho trẻ uống. Một số triệu chứng thường thấy khi bị dị ứng nước cơm: nổi phát ban, đau bụng, đầy hơi, khó thở…
2.2. Súp cà rốt
Súp cà rốt là món ăn đơn giản, dễ nấu và ít gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, thực phẩm này còn mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị ho có đờm như:
- Cà rốt giàu beta carotene – hoạt chất chuyển hóa thành vitamin A khi đi vào cơ thể, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, nhanh chóng khỏi bệnh.
- Súp cà rốt mềm, xốp, dễ nuốt, không cọ xát quá mạnh vùng họng đang bị viêm, hạn chế gây thêm những tổn thương mới.

Dưới đây là cách nấu súp cà rốt cho trẻ bị ho có đờm:
Nguyên liệu: Cà rốt: 1 củ.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Rửa sạch cà rốt, nạo vỏ, cắt nhỏ thành từng miếng vuông.
- Bước 2: Xào cà rốt với hành, dầu ăn hoặc bơ, rồi đổ thêm nước và ninh nhừ cà rốt.
- Bước 3: Dùng thìa nghiền nhuyễn cà rốt hoặc xay bằng máy xay sinh tố đến khi thu được hỗn hợp sánh mịn.
- Bước 4: Đút bé ăn từng thìa nhỏ.
2.3. Súp bí ngô
Súp bí ngô cũng là món ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp cho trẻ bị ho có đờm từ 6 tháng – 1 tuổi nhờ những lợi ích như sau:
- Bí ngô chứa hàm lượng lớn các hoạt chất quý giá, bao gồm: vitamin A, C, E, K, sắt, canxi, photpho, chất chống oxy hóa… giúp cơ thể bé luôn khỏe mạnh, đào thải nhanh các tác nhân gây bệnh.
- Súp bí ngô mềm, xốp, dễ nuốt, không cọ xát quá mạnh vùng họng đang bị viêm, hạn chế gây thêm những tổn thương mới.

Dưới đây là cách nấu súp bí ngô cho trẻ bị ho có đờm:
Nguyên liệu: Bí ngô: 1/2 quả.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Nạo vỏ, rửa sạch bí ngô và cắt nhỏ thành từng miếng vuông.
- Bước 2: Xào bí đỏ với hành, dầu ăn hoặc bơ đến khi chuyển sang màu hơi nâu.
- Bước 3: Cho lượng nước vừa đủ, nêm nếm gia vị và ninh nhừ bí ngô.
- Bước 4: Dùng thìa nghiền nhuyễn bí ngô hoặc xay bằng máy xay sinh tố đến khi thu được hỗn hợp sánh mịn.
- Bước 5: Đút bé ăn từng thìa nhỏ.
2.4. Chuối nghiền
Chuối nghiền là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích:
- Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như: vitamin C, vitamin B6, kali, folate… giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh và loại bỏ nhanh các tác nhân gây nên tình trạng ho có đờm như vi khuẩn, virus…
- Chuối nghiền mềm, mịn, dễ nuốt, không cọ xát mạnh khiến cổ họng trẻ tổn thương, ngăn ngừa hiện tượng viêm đường hô hấp trở nên trầm trọng hơn.

Dưới đây là cách làm chuối nghiền vô cùng đơn giản:
Nguyên liệu:
- Chuối: 1 quả.
- Sữa công thức.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Bóc vỏ chuối, cắt lát, dùng thìa nghiền nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố.
- Bước 2: Cho sữa công thức vào chuối đã nghiền, trộn đều đến khi thu được hỗn hợp sánh mịn.
- Bước 3: Đút cho bé ăn từng thìa nhỏ.
3. 4 món nên ăn khi trẻ trên 1 tuổi bị ho đờm
Trẻ trên 1 tuổi đã cai sữa hoặc đang tập cai sữa mẹ. Lúc này, thực đơn của trẻ cần đa dạng, phong phú hơn, cung cấp nhiều dinh dưỡng từ thịt, rau củ quả, ngũ cốc… Dưới đây là một số món ăn phù hợp với trẻ trên 1 tuổi đang bị ho có đờm.
3.1. Súp gà
Súp gà chứa nhiều protein và chất béo lành mạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ nhỏ, ngăn ngừa tác nhân có hại khiến trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng như các cơ quan khác. Ngoài ra, súp gà còn có khả năng tiêu đờm, làm dịu cổ họng, giúp bé dễ nuốt mà không khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn.

Mẹ có thể tham khảo cách nấu súp gà đơn giản dưới đây:
Nguyên liệu:
- Thịt nạc đùi gà: 50 gram.
- Ngô non (đã tách hạt): 30 gram.
- Trứng gà: 1 quả.
- Nấu hương: 30 gram. (Nấm hương cần ngâm nước ấm ít nhất 8 tiếng trước khi nấu để nở đều).
- Bột năng: 2 thìa cafe.
- Cà rốt: 1 củ.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Rửa sạch thịt gà, luộc chín, để nguội rồi xé nhỏ. Mẹ lưu ý giữ lại nước luộc thịt để chế biến sau.
- Bước 2: Thái cà rốt hình hạt lựu, nấm hương thành những sợi nhỏ.
- Bước 3: Phi hành, xào sơ qua thịt gà, rồi đổ nước luộc thịt cùng cà rốt, nấm hương, ngô non vào.
- Bước 4: Sau khi nước sôi, mẹ nêm nếm gia vị, cho lòng đỏ trứng gà vào và khuấy đều.
- Bước 5: Khi nước sôi lần 2, mẹ cho thêm một ít bột năng để tạo độ sánh.
- Bước 6: Để nguội rồi đút bé ăn từng miếng nhỏ.
3.2. Súp nấm và súp lơ
Nấm là thực phẩm giàu dinh dưỡng bao gồm: vitamin D, sắt, chất chống oxy hóa… giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Trong khi đó, súp lơ chứa nhiều vitamin C, chất béo lành mạnh, chất xơ giúp bé dễ nuốt hơn và tốt cho hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, trẻ thường có xu hướng sợ ăn nấm và súp lơ nếu chế biến các món ăn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Do đó, nấu súp là một phương án hoàn hảo, vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, vừa tạo cảm giác ngon miệng, giúp trẻ dễ ăn hơn.

Nguyên liệu:
- Nấm: nấm kim châm, nấm hương, nấm rơm, nấm mỡ… tùy vào sự lựa chọn của mẹ.
- Súp lơ: 1/2 cây.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Rửa sạch nấm, súp lơ và cắt thành những khúc nhỏ.
- Bước 2: Xào hành đến khi có mùi thơm thì cho nấm và súp lơ vào, đảo đều.
- Bước 3: Thêm lượng nước vừa đủ, đun đến khi sôi thì bật lửa nhỏ và ninh khoảng 15 – 20 phút.
- Bước 4: Nêm nếm gia vị, thêm bột năng để tạo độ sánh.
- Bước 5: Để nguội, đút cho bé ăn từng thìa nhỏ.
3.3. Súp cà chua
Cà chua giàu vitamin C là loại quả không thể thiếu khi bị ho có đờm, phù hợp với trẻ trên 1 tuổi.

Cách nấu súp cà chua vô cùng đơn giản như sau:
Nguyên liệu:
- Cà chua: 2 quả.
- Khoai tây: 1 củ.
- Củ cải đường: 1/2 củ.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Gọt vỏ củ cải đường, khoai tây, rửa sạch rồi cắt thành từng khúc nhỏ. Cà chua rửa sạch, rạch nhẹ các đường trên vỏ.
- Bước 2: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi áp suất với lượng nước vừa đủ, ninh nhừ.
- Bước 3: Để nguội trước khi mở nồi áp suất. Lọc bỏ vỏ cà chua, trộn đều các nguyên liệu cùng với nước.
- Bước 4: Đun nóng bơ, cho hỗn hợp rau củ vào, nêm nếm gia vị.
- Bước 5: Để nguội, đút bé ăn từng miếng nhỏ.
3.4. Các loại hoa quả chứa vitamin C
Vitamin C (hay còn gọi là acid ascorbic) là một chất chống oxy hóa mạnh cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Theo nghiên cứu, vitamin C có tác dụng kháng histamin – chất có mối quan hệ mật thiết với phản ứng viêm, dị ứng trong cơ thể, làm loãng đờm và khắc phục những cơn ho dai dẳng.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng quá 400mg vitamin C mỗi ngày cho trẻ từ 1 – 3 tuổi để tránh cản trở hấp thu vitamin A, B12, gây sỏi thận, giảm độ bền hồng cầu…
Ngoài ra, vitamin C dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ. Vì vậy, mẹ nên cho bé cung cấp hoạt chất này từ nguồn trái cây và rau quả tươi như: cam, kiwi, ổi, đu đủ, súp lơ xanh, dâu, bưởi, xoài, rau bina, chuối…
4. Lưu ý khi chọn những món ăn cho trẻ bị ho đờm
Khi chọn món ăn cho trẻ bị ho có đờm, mẹ lưu ý những vấn đề sau:
- Lựa chọn món ăn phân theo độ tuổi của bé: Bé nhỏ tuổi không nên ăn những món gợi ý cho bé lớn tuổi. Bé lớn tuổi vẫn có thể ăn các món cho bé nhỏ tuổi hơn.
- Sử dụng thực phẩm tươi, sạch được loại bỏ hết bụi bẩn, vi khuẩn, không chứa hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu…
- Không nêm nếm quá nhiều muối vào món ăn của bé để tránh tổn thương não bộ, ảnh hưởng đến chức năng thận.
5. Những câu hỏi thường gặp về thực đơn cho trẻ ho đờm
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp của các bậc phụ huynh khi con nhỏ bị ho dai dẳng có đờm.
5.1. Trẻ ho đờm nên kiêng ăn gì?
Trẻ bị ho đờm nên tránh những món ăn dưới đây:
- Đồ ăn cứng: Các loại hạt, bánh quy… quá cứng có thể làm tổn thương cổ họng trẻ nếu nhai không kỹ, khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Thức ăn nhiều dầu mỡ thường khó hấp thu, không phù hợp với hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện của trẻ nhỏ. Mẹ nên tránh dùng nhiều dầu mỡ khi nấu ăn, cũng như hạn chế các loại hoạt chứa nhiều tinh dầu như: hạt điều, đậu phộng…
- Thực phẩm lạnh: Đồ uống, đồ ăn quá lạnh có thể làm tổn thương niêm mạc, gây viêm họng, dẫn đến tình trạng ho có đờm, đau nhức khi nói, nuốt…
- Thực phẩm chứa histamin: Nhóm thức ăn này làm tăng nồng độ histamin, kích thích cơ thể tiết dịch, tạo nên nhiều đờm hơn. Thực phẩm chứa nhiều histamin bao gồm: cá, sữa chua, phomai, đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó…
- Thực phẩm dễ gây dị ứng: Những món ăn thường gây dị ứng ở trẻ nhỏ: trứng, cá, sữa, đậu phộng…

5.2. Trẻ ho đờm có ăn được tôm không?
Nhiều cha mẹ cho rằng tôm là hải sản tanh, dễ gây kích ứng, khiến tình trạng ho nặng hơn. Trên thực tế, chỉ có vỏ tôm không được chế biến kỹ lưỡng mắc vào cổ họng bé gây đau, ngứa và xuất hiện triệu chứng ho. Còn phần thịt tôm bên trong không phải là nguyên nhân gây ho. Do đó, mẹ vẫn có thể chế biến tôm đã loại bỏ hoàn toàn vỏ thành các món ăn bổ dưỡng cho trẻ bị ho đờm.

5.3. Trẻ ho có uống được sữa không?
Theo nghiên cứu, sữa không phải là nguyên nhân làm gia tăng đờm, mà chỉ có khả năng tạo cảm giác vướng mắc ở cổ khi uống. Bên cạnh đó, sữa là nguồn thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh… tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ nhỏ chống lại bệnh tật. Do đó, mẹ có thể yên tâm cho trẻ bị ho đờm uống sữa hằng ngày.
Tuy nhiên, một số bé có thể bị dị ứng sữa bò, sữa đậu nành. Mẹ chú ý quan sát trẻ và thay thế bằng sữa có đạm thủy phân hoàn toàn, sữa công thức amino acid… nếu có những dấu hiệu bất thường.

Bài viết trên đã cung cấp nhiều thông tin giúp giải đáp thắc mắc: “Trẻ bị ho đờm nên ăn gì?”. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ 1900 6424 để được tư vấn tận tình và hỗ trợ kịp thời mẹ nhé!